
Ngày đăng: 07/12/2021
Hệ thống phanh khẩn cấp BA, phân phối lực phanh EBD, chống bó cứng ABS, ổn định xe VSC
Hệ thống phanh của xe ôtô được liệt vào loại thiết bị an toàn quan trọng nhất và không thể thiếu khi lái xe. Hiện nay, trên các dòng xe ô tô vẫn đang sử dụng song song 3 loại phanh là phanh tang trống, phanh đĩa và phanh đĩa thông gió. Ngoài ra trên các dòng xe ô tô con còn được trang bị thêm các hệ thống ABS, BA, EBD và VSC. Đây là các thiết bị nhằm tăng tính an toàn và hiệu quả phanh cho xe. Cụ thể:
Trước hết là hệ thống phanh. Trước đây chúng ta vẫn thường trú trọng tới việc giới thiệu tới khách hàng các trang thiết bị hiện đại mà quên đi mất rằng phanh xe của họ mới là quan trọng nhất khi lái xe. Trên con đường phát triển của mình, Toyota không ngừng hoàn thiện hệ thống phanh sao cho phanh xe đạt hiệu quả an toàn nhất. Trước đây xe của chúng ta chủ yếu sử dụng phanh tang trống. Đây là loại phanh phổ thông có ưu điểm:
– Hệ dẫn động đơn giản;
– Bề mặt tiếp xúc lớn.
Nhưng loại phanh này lại có những nhược điểm nhất định:
– Độ tản nhiệt kém;
– Lực phanh không lớn;
– Hay bó phanh, kẹt phanh do có quá nhiều chi tiết ;
– Khó bố trí các trang thiết bị hiện đại.
Hiện tại loại phanh này chỉ còn được bố trí ở xe Hiace và bánh sau xe IG.
Để khắc phục những nhược điểm và phát huy tốt hơn những ưu điểm của phanh tang trống, Toyota đã trang bị cho xe Corolla Altis, Vios, Camry, Land cruise toàn bộ phanh đĩa và phanh đĩa thông gió cho cả 4 bánh. Trong đó, đặc biệt đĩa thông gió có độ tản nhiệt cao làm tăng tính hiệu quả phanh xe. Hơn nữa, phanh đĩa còn là loại phanh có thể kết hợp dễ dàng và hiệu quả với các thiết bị an toàn hiện đại như các hệ thống ABS, BA, EBD và VSC.
Hệ thống chống bó cứng phanh ABS
Đây là hệ thống được thiết kế để tự động ngăn ngừa việc các bánh xe bị bó cứng khi phanh gấp hay phanh xe trên mặt đường trơn, nó giúp đem lại tính ổn định về hướng chuyển động và tính năng điều khiển của xe trong các điều kiện trên. Hệ thống này chỉ được kích hoạt khi xe chạy với tốc độ từ 10km/h trở lên và sẽ dừng hoạt động khi xe giảm tốc độ xuống dưới 5km/h. Trên thực tế bán hàng tôi để ý thấy rằng khi anh em giới thệu cho khách hàng sản phẩm này, anh em chỉ giới thiệu được nó là ABS và tác dụng là chống bó cứng còn bó cứng như thế nào, hoạt động vào thời điểm nào thì anh em lại phụ thuộc quá nhiều vào cuốn sách hướng dẫn sử dụng trong khi mình đang mời họ mua xe, mà chưa mua thì chưa nhận được cuốn sách đó…?
Hệ thống phanh khẩn cấp BA
Bộ phận này phát huy tác dụng khi lái xe đạp vội bàn đạp phanh, hệ thống sẽ đánh giá đây là trường hợp dừng khẩn cấp và cấp lực phanh mạnh hơn để hãm bánh xe lại, nó đặc biệt có tác dụng với những trường hợp lái xe không giữ được bàn đạp phanh chắc chắn và lực hỗ trợ sẽ giảm khi lái xe làm chủ được tình trạng phanh. Hệ thống này cũng được kích hoạt khi xe chạy với tốc độ từ 10km/h trở lên và sẽ dừng hoạt động khi xe giảm tốc độ xuống dưới 5km/h.
Hệ thống phanh phối lực phanh EBD
Bộ phận này chịu trách nhiệm phân phối lực phanh chính xác cho từng bánh xe, bánh trước hoặc bánh sau, trái hoặc phải tuỳ theo điều kiện lái xe và tải trọng của từng bánh, kết hợp với ABS làm tăng hiệu quả phanh. EBD là viết tắt bởi các cụm từ tiếng anh là “Electronic Brakeforce Distribution”
Hệ thống ổn định xe VSC
Đây là hệ thống điều khiển ổn định xe. Hệ thống này có chức năng điều khiển tổng hợp của các hệ thống như hệ thống phanh chống bó cứng, điều khiển lực kếo, động cơ… Hệ thống này tự động điều khiển các phanh hoặc động cơ để giúp cho xe tránh khỏi bị trượt khi xe quay vòng trên mặt đường trơn hoặc vặn vô lăng đột ngột. Hệ thống này chỉ được kích hoạt khi xe chạy với tốc độ từ 15m/h trở lên và sẽ dừng hoạt động khi xe giảm tốc độ xuống dưới 15km/h.
Kết hợp với phanh, trợ lực phanh các thiết bị hỗ trợ hiện đại trên tạo nên sự an toàn cao cho phanh xe, giúp hành khách lái xe an toàn. Góp phần làm tăng thêm giá trị Toyota.
Email: otomydinhthc@gmail.com
Mọi tư vấn, báo giá của chúng tôi là hoàn toàn miễn phí