Phanh ô tô là một trong những hệ thống an toàn bậc nhất trên xe ô tô chính vì vậy hệ thống phanh xe ô tô ngày nay còn trang bị thêm hệ thống an toàn chống bó cứng phanh ABS. Dù vậy khi các bộ phận của hệ thống này hư hỏng sẽ gây sự mất an toàn khi vận hành lái. Các hư hỏng về phanh ô tô là rất nhiều, tuy vậy trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi sẽ chỉ đề cập đến hiện tượng hư hỏng rất phổ biến đó là “xe ô tô bị hụt chân phanh”
Hiện tượng hụt chân phanh là gì ?
Để xác định được chính xác nguyên nhân và cách sửa chữa bệnh này của hệ thống phanh thì cần hiểu hiện tượng xe ô tô bị hụt chân phanh là như thế nào ?
Xe ô tô bị hụt chân phanh là hiện tượng khi ta đạp thông thường chân phanh sẽ có 1 hành trình tự do khoảng 3 cm – 5 cm mới đến vị trí cảm nhận lực phanh của xe. Tuy nhiên khi xe bị hiện tượng này thì hành trình để đạp cảm nhận thấy lực phanh sẽ xa hơn. Tình trạng hụt càng nặng thì hành trình này càng dài hơn. Thậm chí có những trường hợp đạp xe kịch sàn mới có cảm giác phanh.
Việc hụt chân phanh khiến bạn có thể bị hẫng khi đang đi quen chân phanh bình thường hoặc có những trường hợp đặc biệt là mất hẳn chân phanh điều này là vô cùng nguy hiểm. Chính vì vậy khi xe ô tô của bạn có hiện tượng này bạn cần sửa chữa ngay nếu không muốn những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.
Dấu hiệu xe ô tô bị hụt chân phanh
Cảnh báo phanh trên đồng hồ taplo: Trên taplo có thể xuất hiện những cảnh báo như ABS, cảnh báo phanh
Cảm giác phanh kém hơn so với thông thường: Khi bạn lái quen chiếc xe ô tô của bạn thì việc cảm nhận hiệu quả hệ thống phanh của xe khá dễ nhận biết. Khi đạp phanh bạn cảm nhận độ ăn của phanh kém đó cũng có thể là 1 dấu hiệu xe sắp bị lỗi hụt phanh.
Cảm giác nhẹ chân phanh: Cảm giác đạp chân phanh thấy nhẹ hơn so với lực đạp chân phanh thông thường khi bạn lái chiếc xe ô tô đó cũng là dấu hiệu cần hết sức lưu ý.
Chảy dầu, ngấm dầu các bộ phận thuộc hệ thống phanh: Khi bạn kiểm tra các bộ phận như tổng phanh, bầu trợ lực phanh, cụm bơm ABS, xy lanh phanh, các đường ống phanh. Các bộ phận này có hiện tượng ngấm dầu, nặng hơn là chảy dầu. Đây là dấu hiệu rõ rệt nhất của hiện tượng hụt chân phanh.
Nguyên nhân xe ô tô bị hụt chân phanh
Hiện tượng hụt chân phanh chủ yếu do nguyên nhân bị tụt áp suất phanh của hệ thống phanh trên xe ô tô. Chính vì vậy điều quan trọng là tìm ra nguyên nhân bộ phận nào gây ra tụt áp. Sau đây chúng tôi sẽ thống kê những bộ phận gây ra hiện tượng này:
Hỏng cupen phanh: Đây là hiện tượng hư hỏng khá phổ biến của hệ thống phanh. Cupen phanh nằm bên trong xy lanh phanh (đờ lu phanh) khi nó bị rách, mòn không làm kín dầu gây tụt áp
Hỏng sim của piston phanh: trên piston phanh có 1 sim nhỏ để làm kín piston phanh tuy nhiên khi sim này hỏng sẽ gây không đủ áp để đẩy piston ép má phanh vào đĩa phanh.
Hỏng bầu trợ lực phanh: Bộ phận này thường bị rách gioăng cao su, gây hở làm mất áp. Rất nhiều xe ô tô bị tụt chân phanh do nguyên nhân này.
Hỏng bơm abs: Khi nhìn thấy cụm bơm ABS ngấm dầu đây là dấu hiệu bộ phận này bị hở dầu cũng là nguyên nhân gây tụt áp
Hỏng tổng phanh: Cũng giống như các bộ phận khác của hệ thống phanh thì tổng phanh bị hỏng sim hay nòng của tổng phanh bị mòn cũng gây ra hiện tượng này.
Rò gỉ đường ống phanh, tuy ô phanh: Các đường ống tuy ô dễ bị rò gỉ do tháo lắp hoặc trong quá trình di chuyển bị va chạm vào vật gì đó khiến chúng bị rách, đứt … gây ra.
Do “e” dầu phanh: Việc dầu phanh bị “e” hoặc khi thay dầu phanh quên xả “e” là nguyên nhân khá phổ biến.
Cách sửa chữa xe ô tô bị hụt chân phanh
Với từng nguyên nhân khác nhau gây ra hiện tượng hụt chân phanh thì có các cách sửa chữa khác nhau. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là bạn phải ra chính xác được nguyên nhân nào để giảm tối thiểu chi phí sửa chữa. Cần sửa chữa theo nguyên tắc từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ chi phí ít đến chi phí lớn.
Để sửa chữa hư hỏng này của hệ thống phanh bạn cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Kiểm tra tại chỗ và kiểm tra trên đoạn đường ngắn để xác định chính xác tình trạng xe bị hụt chân phanh. Lưu ý: Cần đảm bảo an toàn trong quá trình kiểm tra.
Bước 2: Kiểm tra tất cả các bộ phận của hệ thống phanh như: tuy ô phanh, xy lanh phanh, tổng phanh, cụm bơm phanh ABS, bình chứa dầu phanh, bầu trợ lực phanh,… Nếu chi tiết nào có dấu hiệu ngấm dầu cần tháo ra kiểm tra để thay sim, phớt hoặc thay thế mới.
Bước 3: Kiểm tra dầu phanh có bị “e” không ? Nếu “e” tiến hành xả “e” kỹ cho cả 4 bánh xe.
Bước 4: Sau khi thay thế và xử lý vấn đề tụt áp của hệ thống phanh tiến hành kiểm tra và chạy thử.